BỆNH SỎI THẬN LÀ GÌ, NGUYÊN NHÂN,TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ CĂN BỆNH NÀY
THÔNG TIN SỨC KHỎE 08:55_Ngày 07/01/2023
Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến nhất của đường tiết niệu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tất tần tật thông tin về bệnh sỏi thận một cách toàn diện nhất.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là những phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh của các tinh thể khoáng chất hoặc muối axit có trong nước tiểu, lắng đọng tại đài bể thận. Sỏi thận sau khi hình thành có thể nằm yên trong thận hoặc di chuyển đến niệu quản.
Sỏi thận là sỏi tiết niệu nằm ở thận, gồm sỏi đài thận và sỏi bể thận.
Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận và thường gặp ở nam giới độ tuổi trung niên. Bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều sỏi trong thận. Đa số sỏi thận đều nhỏ và có thể thải ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi phát triển lớn hơn và không thể di chuyển ra khỏi thận. Đôi khi sỏi kẹt trong niệu quản, ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu, gây ra tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu ngắt quãng. Cả hai trường hợp đều cần điều trị để loại bỏ sỏi.
Sỏi thận
Phân biệt các loại sỏi thận
Sỏi ở hệ tiết niệu thường được phân loại theo thành phần hóa học, bao gồm:
Sỏi calcium là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm 80-90%, bao gồm sỏi Calci Oxalat, Calci Phosphat. Calci Oxalat chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới như Việt Nam. Loại sỏi này rất cứng và cản quang, có hình dáng gồ ghề, màu vàng hoặc màu nâu.
Sỏi phosphat thường gặp là loại Magnésium Ammonium Phosphate hay còn gọi là sỏi nhiễm trùng. Sỏi phosphat được hình thành do nhiễm trùng tiết niệu lâu ngày gây ra, đặc biệt là do vi khuẩn proteus. Sỏi có màu vàng và hơi bở. Loại sỏi này thường rất lớn có thể lấp kín các đài bể thận gây ra sỏi san hô.
Sỏi acid uric hình thành do quá trình chuyển hóa chất purin gia tăng trong cơ thể. Các nguyên nhân làm tăng chuyển hoá purine có thể kể đến như sử dụng nhiều thức ăn có chứa nhiều chất purin (như lòng heo, lòng bò, thịt cá khô, nấm…), hoặc bệnh nhân bị gout, hoặc sỏi hình thành do dùng thuốc hóa trị liệu để điều trị ung thư.
Sỏi cystine được tạo ra việc tái hấp thu chất cystine ở ống thận có sai sót. Loại sỏi này hiếm gặp ở Việt Nam. Sỏi cystine là sỏi không cản quang, có bề mặt trơn láng.
Những loại sỏi thận phổ biến
Triệu chứng của bệnh sỏi thận
Một số loại sỏi không gây ra triệu chứng gì và có kích thước nhỏ. Sỏi không triệu chứng thường được phát hiện trong quá trình chụp X-quang, siêu âm hoặc trong các quy trình chẩn đoán hình ảnh.Có nhiều dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi thận, thông thường là một số triệu chứng nêu dưới đây:
Đau nhức lưng, đau vùng mạn sườn dưới
Niệu quản là đường dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Khi sỏi được hình thành ở đây sẽ gây ra sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng đau ở lưng. Cơn đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi.
Đau nhức lưng và mạn sườn dưới khi bị sỏi thận
Tiểu rắt, tiểu són
Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản hay bàng quang, người bệnh sẽ có cảm giác buồn đi tiểu và đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, lượng nước tiểu lại rất ít. Thậm chí là không thể tiểu được. Điều này khiến cho thể trạng người bệnh mệt mỏi. Đặc biệt khi sỏi ở niệu quản và gây tắc, nước tiểu không xuống được bàng quang và ứ đọng tại thận gây ra những cơn đau quặn thận.
Đau khi đi tiểu
Khi sỏi thận di chuyển từ niệu quản xuống bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo sẽ gây ra các cơn đau, thậm chí đau buốt khi đi tiểu.
Tiểu ra máu
Sự cọ xát của sỏi khi di chuyển dẫn tới những tổn thương cho các cơ quan trong hệ tiết niệu. Đây là triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận. Tùy vào mức độ thương tổn mà biểu hiện tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy được.
Buồn nôn và nôn
Thận và ruột có liên quan mật thiết với nhau qua các dây thần kinh. Nên khi bị sỏi thận cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tới đường tiêu hóa, khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.
Sốt và cảm giác ớn lạnh
Bệnh sỏi thận rất dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi khi sỏi di chuyển sẽ gây ra sự cọ xát. làm tổn thương hoặc gây tắc, nước tiểu không thể đào thải được ra ngoài. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng.
Trên thực tế, bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm và triệu chứng cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm ruột thừa cấp tính, cơn đau quặn gan do sỏi đường mật hay cơn đau dạ dày tá tràng cấp tính. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu nêu trên thì bạn nên tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hại cho cơ t
Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận, trong đó có 5 nguyên nhân chính sau đây:
Chế độ ăn uống không khoa học
Do thói quen uống ít nước dẫn đến lượng nước trong cơ thể không đủ để tuần hoàn thận. Vì vậy chức năng lọc của thận suy giảm khiến nước tiểu đặc chứa nồng độ ion muối khoáng cao, dễ tích tụ tạo thành sỏi.
Bên cạnh đó, chế độ ăn không khoa học, dung nạp nhiều muối, protein, thực phẩm chứa nhiều oxalat và prutin, ăn nhiều đồ dầu mỡ,… cũng là nguyên nhân gây bệnh sỏi thận.
Ngoài ra, việc sử dụng nhiều các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… hay các loại nước uống có ga cũng dễ gây hình thành sỏi trong thận.
Dung nạp bổ sung Calcium, Vitamin C sai cách
Việc uống bổ sung Vitamin C trong suốt thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng thừa vitamin C. Khi đó, vitamin C sẽ chuyển hóa thành oxalat đào thải ra ngoài tại thận . Tương tự, khi uống Canxi quá nhiều cũng sẽ dẫn đến tình trạng thừa canxi gây ức chế việc hấp thu các chất khác như sắt và kẽm. Từ đó thận bị quá tải canxi, gây cặn thận và tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Do thói quen
Có rất nhiều trường hợp bị bệnh sỏi thận là do thói quen nhịn tiểu khiến nước tiểu tích tụ trong bàng quang nhiều gây bể thận, tích tụ chất khoáng trong thời gian dài gây lên sỏi thận.
Mặt khác, thói quen vệ sinh bộ phận sinh dục không thường xuyên hoặc không đúng cách cũng làm nhiễm trùng đường sinh dục và tiết niệu dẫn đến nguy cơ mắc sỏi thận cao.
Hậu quả của các bệnh lý khác
Một số bệnh lý khác cũng có khả năng gây biến chứng mắc bệnh sỏi thận như:
- Cơ thể có dị tật bẩm sinh về đường tiết niệu gây tắc nghẽn.
- Bị chấn thương nằm một chỗ cũng là yếu tố gây bệnh.
- Các trường hợp mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến, u xơ tiền liệt tuyến, tiểu đường, bệnh gout, túi thừa trong bàng quang, viêm đường tiết niệu lâu ngày và tái lại nhiều lần… cũng tạo môi trường thuận lợi để hình thành sỏi thận.
- Theo một số nghiên cứu, người béo phì có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cao hơn người bình thường.
Yếu tố di truyền
Bệnh cũng có thể do gen trong gia đình. Nếu trong gia đình có người bị sỏi thận thì nguy cơ mắc bệnh của các thành viên cùng huyết thống cao hơn bình thường.
Điều trị bệnh sỏi thận đúng cách
Đối với từng trường hợp cũng như kích thước sỏi thận để áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Khi bị sỏi thận, bạn nên đi thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Trường hợp sỏi kích thước nhỏ và được phát hiện sớm thì có thể uống nhiều nước để sỏi tự đào thải bằng đường tiểu. Cùng với đó, bệnh nhân nên uống thêm thuốc sát khuẩn đường tiểu, thuốc chống viêm theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị sỏi thận hiệu quả.
Trường hợp bệnh nặng, kích thước viên sỏi quá lớn gây tắc đường tiết niệu mà không tự điều trị được thì có thể bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật để lấy sỏi ra. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật tân tiến hiện nay như:
- Tán sỏi nội soi ngược dòng: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi đưa vào niệu đạo và bàng quang đến niệu quản. Sau khi đã tìm thấy sỏi, các bác sĩ có thể hút bỏ hoặc phá vỡ chúng thành các phần nhỏ hơn bằng laser.
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL): đây là phương pháp dùng sóng xung kích để phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ. Những mảnh vụn này sẽ theo đường tiểu đi ra ngoài cơ thể.
- Tán sỏi qua da (PCNL): Đây là hình thức phẫu thuật được đánh giá rất cao và được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Phương pháp này áp dụng được cho mọi loại sỏi và gần như có thể thay thế mổ mở. Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ gây mê và rạch 1 vết tầm 0,5cm trên lưng để đưa dụng cụ nội soi vào. Quan sát qua màn hình siêu âm để xác định chính xác vị trí của sỏi, sử dụng năng lượng laser tác động làm vỡ sỏi thành mảnh nhỏ và hút chúng ra ngoài.
- Mổ mở lấy sỏi nếu sỏi quá lớn: Đối với trường hợp sỏi quá lớn và không thể tiến hành tán sỏi thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ mở để loại bỏ sỏi.
Bên cạnh đó các phương pháp nêu trên, bệnh nhân cũng cần phải thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt như uống nước nhiều, thường xuyên vận động cơ thể, tập thể dục thể thao và không nhịn tiểu để có thể đào thải sỏi ra khỏi cơ thể. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ để biết kích thước, vị trí sỏi thận cũng như chẩn đoán chính xác hiệu quả của các phương pháp đã sử dụng.
Nghe chuyên gia tư vấn thêm nhé:
Nguồn: ANTV
Theo dõi thường xuyên thông tin sức khỏe tại:
- Fanpase Sức khỏe 365+:https://www.facebook.com/365suckhoee/
- Youtube: https://www.youtube.com/@365Suckhoe
0 Nhận xét