RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH LÀ GÌ, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ CĂN BỆNH NÀY??
THÔNG TIN SỨC KHỎE 365+ 21:35_Ngày 02/01/2023
Rối loạn tiền đình là thuật ngữ vốn không còn xa lạ gì đối với nhiều người nhưng điều đáng nói là không phải ai trong số họ cũng hiểu và nhận diện đúng bệnh. Vậy đây là bệnh gì, có nguy hiểm không, làm sao để nhận biết, câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.
1. Rối loạn tiền đình và nguyên nhân gây bệnh
1.1. Thế nào là rối loạn tiền đình?
Tiền đình thuộc hệ thần kinh; nằm sau hai bên ốc tai với nhiệm vụ chính là duy trì tư thế, điệu bộ, phối hợp cử động đầu, mắt và thân mình. Khi cơ thể thực hiện bất kỳ động tác gì thì tiền đình cũng sẽ nghiêng lắc theo để giúp cơ thể giữ được thăng bằng.
Tình trạng cơ thể mất cân bằng về tư thế gọi là rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là tình trạng cơ thể bị mất cân bằng về tư thế nên có cảm giác chóng mặt, buồn nôn, ù tai, hoa mắt. Thường thì đây được gọi là hội chứng nhiều hơn là bệnh, gồm 2 loại:
- Rối loạn tiền đình ngoại biên
Đây là tình trạng được gây ra do tổn thương tai trong, dây thần kinh tiền đình hoặc có bệnh lý tắc mạch máu vùng sau cổ. Khi ấy, người bệnh sẽ thường bị chóng mặt khi thay đổi tư thế nhưng vẫn khá tỉnh táo khi di chuyển.
- Rối loạn tiền đình trung ươngNguyên nhân của hội chứng này là do nhân tiền đình, đường dây liên hệ của nhân dây tiền đình tiểu não và thân não bị thương. Người bệnh thường cảm thấy sa sầm mặt mày, khó đi lại hoặc choáng váng khi tư thế thay đổi...
1.2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì?
Tuy đến nay chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm vi khuẩn hoặc virus ở tai; rối loạn tuần hoàn máu tác động đến não hoặc tai; chấn thương ở đầu chính là tác nhân gây nên hội chứng này. Ngoài ra, những yếu tố sau cũng được xem là tăng nguy cơ gây bệnh:
- Tuổi tác: người cao tuổi thường dễ mắc cảm giác mất thăng bằng hoặc các bệnh lý gây ra hiện tượng chóng mặt.
- Tiền sử bị chóng mặt: những ai trước đây từng bị chóng mặt thì cũng có nhiều khả năng tương lai sẽ tái diễn tình trạng này.
2. Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Về cơ bản, rối loạn tiền đình không gây ra nguy hiểm cho tính mạng nhưng khi không được điều trị kịp thời, nó lại là nguyên nhân tác động đến diễn tiến của nhiều bệnh lý khác. Điển hình trong đó có thể kể đến như:Khó tập trung, hiệu quả công việc giảm sút do rối loạn tiền đình
- Do rối loạn tiền đình mà việc đi lại hàng ngày gặp nhiều khó khăn, cơ thể mệt mỏi khiến cho sinh hoạt thường ngày bị ảnh hưởng. Không những thế, người bệnh cũng vì điều này mà lười vận động từ đó dễ mắc các bệnh lý khác.
- Xuất hiện thường xuyên các cơn đau đầu gây cản trở đến khả năng tập trung khi làm việc, hệ lụy là số lượng và chất lượng công việc bị suy giảm.
- Dễ nảy sinh tâm lý bực tức, nóng giận với những người xung quanh.
- Gặp tai nạn khi tham gia giao thông.
- Tăng nguy cơ biến chứng mất thính lực.
3. Nhận biết đúng bệnh rối loạn tiền đình
3.1. Các dấu hiệu của rối loạn tiền đình
Người bị rối loạn tiền đình rất dễ gặp các hiện tượng sau:
- Chóng mặt: người bệnh cảm thấy như bị chao đảo, quay cuồng, khó khăn trong việc đứng lên ngồi xuống, thậm chí có người không thể đứng lên được. Lý do gây nên điều này là dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương hoặc hệ thần kinh của não bộ bị chèn ép. Đa phần các trường hợp sau khi được nghỉ ngơi thì các dấu hiệu trên cũng chấm dứt.
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh rối loạn tiền đình
- Mất ngủ, mất ý thức, ngất xỉu do lượng máu lưu thông lên não bị suy giảm, rối loạn chức năng tim, huyết áp tụt. Các triệu chứng này càng kéo dài càng khiến người bệnh bị mất ý thức.
- Mất thăng bằng nên khó khăn khi đi lại, luôn cảm thấy lâng lâng, muốn di chuyển được phải bám víu vào người hoặc vật khác mới được. Nguyên nhân gây nên tình trạng ấy là do sự tắc nghẽn tiểu não, toàn bộ tiền đình, mắt và ngoại tháp mà ra.
3.2. Tránh nhầm lẫn thiếu máu não với rối loạn tiền đình
Có một thực tế không thể phủ nhận là rất nhiều người nhầm lẫn rối loạn tiền đình với thiếu máu não vì chúng có những biểu hiện tương đối giống nhau như: chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt, nhức đầu,... Tuy nhiên đây lại là hai bệnh không hề giống nhau vì chúng khác nhau vì căn nguyên gây bệnh.
- Thiếu máu não (rối loạn tuần hoàn não)
Đây là trạng thái lượng máu đến nuôi não bị suy giảm, chủ yếu gây ra bởi các bệnh mạn tính như: suy thận mạn, bệnh van tim, xơ cứng mạch máu não, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp,... Ngoài ra, các yếu tố như: béo phì, thuốc lá, stress, rượu bia, ít vận động,... cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Rối loạn tiền đình
Nói một cách đơn giản thì đây là trạng thái mất cân bằng về tư thế nên người bệnh cảm thấy bị chóng mặt, buồn nôn, ù tai, lảo đảo, khó chịu, đi đứng khó khăn.
Nói tóm lại, thiếu máu não là một trong những yếu tố gây nên chứ không phải là rối loạn tiền đình.
Về cơ bản, các triệu chứng của rối loạn tiền đình không cảnh báo sự trầm trọng về bệnh lý nhưng khi nó xuất hiện kèm theo các hiện tượng: sốt cao trên 38 độ C; đau nhức đầu đột ngột; giảm hoặc mất thị lực; nói khó; mất thính giác; không thể định hướng không gian hoặc thời gian; mất ý thức; run rẩy chân tay; tê đầu ngón chân, ngón tay; chao đảo, dễ té ngã; nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường, đau tức ngực,... thì cần đến gặp bác sĩ ngay vì nó cảnh báo các bệnh lý nguy hại cho sức khỏe và tính mạng người bệnh
4. Cách điều trị và phòng bệnh
4.1. Cách điều trị
Điều trị không đúng cách hay dùng thuốc trị không đúng bệnh sẽ gây lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian trong khi tình trạng bệnh có thể trở nên nặng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.
- Điều trị bao gồm: điều trị nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, điều trị triệu chứng chóng mặt và nôn, điều trị phục hồi chức năng tiền đình.
- Phục hồi chức năng: Các bài tập rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ thống tiền đình có hiệu quả rất lớn trong phục hồi chức năng cho bộ phần đầu, cơ thể, thị giác.
- Tập luyện thể thao: Tập luyện ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, và hỗ trợ phục hồi hệ thống tiền đình một cách nhanh chóng.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Đây được coi là “chìa khóa vàng” trong việc cải thiện sức khỏe đáng kể cho người bệnh và hạn chế các triệu chứng.
- Sử dụng thuốc kê toa: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp về thời gian, liều lượng dùng thuốc.
- Nghiệm pháp tái định vị sỏi tai (Epley maneuver) trong điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: phương pháp này thường được các bác sĩ chuyên môn thực hiện bằng các thao tác di chuyển đầu của người bệnh vào các tư thế nhất định nhằm “tái định vị” các tinh thể bị lạc chỗ trong tai.
- Phẫu thuật: Khi thuốc và các liệu pháp khác không mang lại hiệu quả điều trị, người bệnh cần phải tiến hành phẫu thuật. Phụ thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn tiền đình mà các bác sĩ sẽ chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhằm phục hồi chức năng của tai trong.
- Thời gian điều trị bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào phân loại, mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với các biện pháp điều trị, có thể phục hồi chỉ trong một hai ngày hoặc kéo dài vài tháng. Do đó khi phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
4.2. Cách phòng tránh rối loạn tiền đình
Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:
- Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý
- Giảm căng thẳng lo lắng
- Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
- Đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ.
- Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh
- Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Cách chăm sóc bệnh nhân
5.1 Chế độ dinh dưỡng
Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tốt cho hệ tim mạch, não như ăn nhiều rau xanh, cá, hạn chế mỡ động vật.
Bổ sung đủ nước hàng ngày
Mỗi ngày người bệnh nên uống khoảng 1,5 – 2 lít nước để cơ thể được cung cấp đủ nước cho các quá trình trao đổi chất và các hoạt động của cơ thể được diễn ra hiệu quả. Đồng thời cũng có thể cho người bệnh uống thêm các loại nước ép hoa quả, sinh tố.
5.2 Luyện tập thể dục thể thao
Thường xuyên tập thể dục rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe.
12.3 Hạn chế việc người bệnh bị stress căng thẳng
Stress, căng thẳng sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn chính vì vậy cần tạo tâm lý vui vẻ thoải mái, tránh căng thẳng, không nên ngồi lâu một chỗ.
5.4 Khám sức khỏe định kỳ
Kết quả thăm dò cho thấy:
- 80% người bệnh có tâm lý chủ quan, coi nhẹ bệnh khi thấy xuất hiện một số triệu chứng nghi ngờ bị tiền đình, không đi khám và điều trị ngay;
- 77% người được hỏi cho biết không hiểu rõ về bệnh, nên thường không biết can thiệp hay thay đổi chế độ sinh hoạt cho phù hợp;
- 58% người bệnh tự chẩn đoán bệnh cho mình, hoặc nghe người khác chẩn đoán theo kinh nghiệm chứ không đến bệnh viện để được khám và kiểm tra cận lâm sàng.
Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng về việc hiểu và nắm rõ các dấu hiệu của bệnh để kịp thời thăm khám và điều trị. Do đó, bệnh nhân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, để phát hiện và can thiệp kịp thời ngay khi thấy xuất hiện dấu hiệu của bệnh rối loạn chức năng tiền đình, để giúp phòng ngừa những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não…
👉 Nghe chuyên gia chia sẽ kĩ hơn về căn bệnh này nhé:
Nguồn video: THVL
Cập nhập thêm những thông tin Sức khỏe tại:
0 Nhận xét